Tinh dầu là một sản phẩm chăm sóc sức khỏe với nhiều ưu điểm nổi bật. Tuy nhiên, do là một dạng chất lỏng chứa nhiều hợp chất thơm nên tinh dầu rất dễ bị bay hơi nếu không bảo quản đúng cách. Để có thể bảo quản tốt được tinh dầu ta cần tìm hiểu sơ qua về những yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng của tinh dầu. Một số yếu tố chính mà Mandala Beauty And Care muốn giới thiệu là:
-
Những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng tinh dầu
Không khí
Do tinh dầu là một hỗn hợp các loại hợp chất khác nhau nên khi tiếp xúc với oxy, một số thành phần sẽ xảy ra các phản ứng hóa học không cần thiết, làm biến đổi thành phần của tinh dầu. Vì thế nó sẽ khiến tinh dầu mất đi những tác dụng trị liệu vốn có đồng thời dễ gây ra những tác hại tiêu cực.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi tinh dầu chanh tươi tiếp xúc với không khí hằng ngày sẽ khiến 66.4% hàm lượng monoterpene bị hao hụt sau 12 tháng. Và khi tinh dầu chanh tươi ít tiếp xúc hơn thì số liệu này đã giảm đáng kể.
Ánh sáng
Ánh sáng cũng là một yếu tố quan trọng gây ảnh hưởng nhiều đến với tinh dầu. Do tia cực tím có trong ánh sáng khi tiếp xúc với tinh dầu sẽ làm phá hủy các phân tử vốn có, khiến cho một số hợp chất mất đi và một số hợp chất tăng lên, làm ảnh hưởng đến chất lượng của tinh dầu.
Nhiệt độ
Bên cạnh ánh sáng thì nhiệt độ cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng cần lưu ý vì nó là nguyên nhân chính trong quá trình oxy hóa của tinh dầu khiến cho tinh dầu dễ bị bay hơi hơn.
Vì thế tinh dầu cần được bảo quản ở nhiệt độ thấp và ổn định để có thể sử dụng được lâu hơn, nhiệt độ thích hợp nhất để bảo quản tinh dầu là từ 2 – 5 độ C.
Thời hạn sử dụng
Thành phần chính của tinh dầu được tạo nên từ các họ hóa học riêng biệt, các họ hóa học này là yếu tố chính quyết định tác dụng trị liệu cũng như là thước đo thời hạn sử dụng của tinh dầu.
Các thành phần của tinh dầu chủ yếu gồm: sesquiterpene, sesquiterpenol, monoterpene, monoterpenol, este, ete, aldehyde, xeton, phenol và oxit.
2. Cách bảo quản tinh dầu
Bảo quản trong chai lọ thuỷ tinh tối màu
Lựa chọn và sử dụng chai lọ tối màu (màu nâu, hổ phách, xanh lá cây hoặc xanh sẫm) để đựng tinh dầu là cần thiết bởi vì nó giúp cho tinh dầu tránh khỏi yếu tố ánh sáng gây hại, ngăn chặn được quá trình quang hóa giúp đảm bảo được chất lượng của tinh dầu.
Và thay vì chai nhựa, tinh dầu nên được bảo quản bằng chai thủy tinh vì đây là vật liệu trơ, nó sẽ không phản ứng hóa học với các thành phần của tinh dầu, nên đảm bảo được an toàn cho sức khỏe của người dùng.
Bảo quản trong chai lọ có kích thước nhỏ
Oxy và ánh sáng đều là các yếu tố gây ảnh hưởng đến tinh dầu nên bạn cần phải bảo quản tinh dầu trong các chai lọ có kích thước nhỏ. Vì cách bảo quản này sẽ giúp giảm thiểu được sự tiếp xúc của tinh dầu với không khí và ánh sáng nên sẽ bảo quản được lâu hơn.
Đối với lọ tinh dầu lớn, khi mua về bạn có thể chia tinh dầu sang những lọ có kích thước nhỏ như 5ml hoặc 10ml để bảo vệ tinh dầu khỏi quá trình oxy hóa. Lưu ý khi chia tinh dầu nên cẩn thận đừng để tinh dầu văng vào mắt hoặc các vùng da nhạy cảm.
Bảo quản ở nhiệt độ phòng
Khi bảo quản tinh dầu trong nhiệt độ phòng cần lưu ý tránh tiếp xúc với nơi có nhiệt độ quá cao, nơi có nguồn nhiệt lớn như lửa, bếp ga, bếp lò….
Không nên đặt ở trong xe hay trên cửa sổ vào mùa hè, tránh nơi có biến động nhiệt độ cao vì tinh dầu khi gần nguồn nhiệt sẽ thúc đẩy quá trình oxy hóa diễn ra nhanh hơn và làm giảm đi chất lượng của sản phẩm
Bảo quản trong tủ lạnh
Với nhiệt độ tối ưu là từ 2 – 5 độ C thì ngăn mát của tủ lạnh là một nơi thích hợp để bảo quản tinh dầu, ưu điểm của cách này là giảm đi nguy cơ tiếp xúc của tinh dầu với không khí, nhiệt độ ổn định giúp đảm bảo được chất lượng của sản phẩm.
Chú ý tinh dầu không nên cho vào ngăn đá tủ lạnh vì khi bị đóng băng với nhiệt độ quá thấp tinh dầu có thể bị giảm chất lượng thậm chí là hư hỏng. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý cho tinh dầu vào túi zip hoặc túi kín trước khi bảo quản để tránh việc đồ ăn bị ám mùi khi bảo quản cùng với tinh dầu.
Bảo quản trong hộp kín
Bảo quản tinh dầu trong hộp kín là cách rất hiệu quả và khá đơn giản khi chỉ cần cho tinh dầu vào hộp, sau đó đậy kín lại.
Do đặc trưng của hộp kín là giúp cách nhiệt, hạn chế tác động tiêu cực của ánh sáng, không khí và đặc biệt là biến động nhiệt, vị trí đặt hộp kín thích hợp là nơi khô mát, tránh ánh nắng mặt trời.
Tránh xa các nguồn nhiệt mạnh, trực tiếp
Do tính chất hóa học của mình, tinh dầu tiếp xúc trực tiếp với các nguồn nhiệt cao như lửa, ánh sáng mạnh sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của tinh dầu và tệ hơn là gây cháy.
Vì vậy nên bảo quản tinh dầu ở những nơi thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp, bảo quản sản phẩm trong hộp gỗ cũng là một lựa chọn tốt.
Tránh những bề mặt dễ bị hư hại
Tránh để tinh dầu tiếp xúc với các bề mặt như chất dẻo, sơn,…vì nồng độ của tinh dầu rất mạnh, nhiều hợp chất hóa học trong tinh dầu sẽ gây hư hại bề mặt như bị ố vàng, loang lổ,…
Đánh dấu ngày mở nắp lọ tinh dầu
Việc đánh dấu ngày mở nắp lọ lần đầu sẽ giúp bạn kiểm soát được hạn sử dụng của sản phẩm, tùy vào mỗi loại tinh dầu khác nhau sẽ có thời gian sử dụng khác nhau nhưng thường sẽ được tính kể từ lần đầu tiên bạn mở nắp sử dụng.
3. Thời hạn sử dụng của tinh dầu
Thời hạn sử dụng của tinh dầu thường sẽ phụ thuộc và các họ hóa học trong thành phần của chúng cũng như tùy vào cách bảo quản của bạn cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến thời hạn sử dụng.
Hạn sử dụng riêng của tinh dầu thường được chia thành 2 loại: Loại tinh dầu pha loãng với dầu nền sẽ có hạn sử dụng là 6 tháng và loại tinh dầu pha với nước cất có hạn sử dụng là 2 tuần. Một vài ví dụ về thời hạn sử dụng của các loại tinh dầu phổ biến mà bạn có thể tham khảo:
Tinh dầu thuộc họ Monoterpene như: tinh dầu vỏ bưởi, cam, vỏ quýt, nguyệt quế, chanh tươi.. sẽ có hạn sử dụng thấp nhất khoảng 1 – 2 năm.
Tinh dầu thuộc họ monoterpenoid, aldehyde, oxide: tinh dầu oải hương, gỗ hồng, tô đất, sả chanh, hương thảo, khuynh diệp…. có hạn sử dụng là từ 3 – 5 năm.
Thời hạn sử dụng của tinh dầu
4. Cách nhận biết tinh dầu hết hạn
Tinh dầu khi đã hết hạn sẽ có sự thay đổi rõ rệt về mùi, phản ứng và màu sắc, nên bạn có thể dễ dàng nhận biết được.
- Mùi: Tùy thuộc vào từng loại tinh dầu khác nhau mà khi đã hết hạn sử dụng sẽ có mùi khác nhau nhưng đa phần tinh dầu sẽ mất đi mùi hương tươi mới, ngọt ngào vốn có mà thay vào đó là mùi nồng gắt do đã bị quá trình oxy hóa phá hủy.
- Phản ứng: Tinh dầu khi hết hạn tiếp xúc với da sẽ gây ra những phản ứng như ngứa rát, nổi mẩn đỏ dù đã được pha với dầu nền. Nên cần ngưng sử dụng ngay khi có triệu chứng này.
- Màu sắc: Khi quá hạn sử dụng tinh dầu sẽ có sự thay đổi về màu sắc đặc biệt là một số loại tinh dầu được chiết xuất từ cây do có thành phần nhẹ nên sẽ dễ bị thay đổi màu sắc qua thời gian dài. Màu sắc và kết cấu sẽ bị thay đổi từ vàng nhạt thành đỏ cam, sau đó là không còn trong như ban đầu và trở nên đông đặc lại.