VITAMIN E VÀ NHỮNG CÔNG DỤNG KHÔNG THỂ THIẾU CHO LÀN DA KHOẺ, MÁI TÓC MỀM MƯỢT

  1. Vitamin E là gì?

Vitamin E là một chất chống oxy hóa, là loại vitamin có khả năng hòa tan trong chất béo.

Như chúng ta đã biết, cơ thể luôn có sự xuất hiện của các gốc tự do – thành phần gây hại cho tế bào. Chúng tạo thành khi cơ thể phân hủy thức ăn hay tiếp xúc trực tiếp với các tia cực tím, tia bức xạ mặt trời. Các gốc tự do này góp phần gây nên một số bệnh lý tim mạch, ung thư và phá hủy các tế bào lành trong cơ thể. Điều này khiến sức khỏe mỗi người giảm dần và nhanh chóng suy kiệt.

Với công dụng chính là một chất chống oxy hóa, Vitamin E có tác dụng bảo vệ các tế bào bằng cách chống lại sự tác động của các gốc tự do đó. Nhờ vậy, Vitamin E giúp cho cơ thể luôn khỏe mạnh, ngăn ngừa các bệnh lý như ung thư.

Ngoài công dụng tốt trong cơ thể, Vitamin E còn được biết đến với công dụng tạo độ ẩm, chống lão hóa cho da và tóc. Tác dụng này đã được phát hiện từ lâu và được nhiều người tin dùng.

Vitamin E gồm 2 dạng chính là tocopherol và tocotrienol. Thông thường trong các thực phẩm hàng ngày và trên cơ thể, dạng tocopherol được tổng hợp với hàm lượng cao hơn.

Vitamin tan trong dầu có khả năng chống oxy hóa

2. Nguồn gốc Vitamin E

Do tính ưa dầu nên Vitamin E được tìm thấy trong tuyến bã nhờn của da. Chúng có tác dụng là một hàng rào tự nhiên, giữ cho da luôn có độ ẩm, luôn giữ được lượng nước nhất định. Thông thường, Vitamin E được thấy nhiều ở trên da dầu, hỗn hợp thiên dầu do sự tiết bã nhờn trên làn da này nhiều hơn các loại da khác. Không phải lúc nào Vitamin E cũng tồn tại với một lượng cần thiết trên da. Theo độ tuổi và tác động của môi trường như ánh sáng, sử dụng đèn huỳnh quang,… có thể là nguyên nhân khiến Vitamin E giảm mạnh, da nhanh chóng bị lão hóa.

Ngoài sự tồn tại trong tuyến bã nhờn, Vitamin E còn được tìm thấy trong các loại thực phẩm như:

Ngũ cốc, nước hoa quả hay bơ thực vật.
Cá hồi, tôm, cua và các một số hải sản khác.
Các loại rau như bông cải xanh, rau cải bắp, cải ,…
Một số các loại hạt như hướng dương, óc chó,…
Hiện nay, Vitamin E thường được bổ sung ở các loại thuốc không kê đơn như viên nang mềm, hay các kem bôi da Vitamin E dùng tại chỗ.

Vitamin E có trong cải, lạc, trứng, các loại hạt,….

3. Công dụng của Vitamin E trong chăm sóc da và tóc

3.1. Tác dụng của Vitamin E trong chăm sóc da

Với công dụng là một chất chống oxy hóa, Vitamin E được sử dụng làm một chất ngăn ngừa sự lão hóa, ngăn ngừa sự xuất hiện của các nếp nhăn trên da. Sau khi cơ thể được bổ sung Vitamin E, chúng sẽ nhanh chóng đi đến các tuyến bã nhờn tạo hàng rào bảo vệ tránh tác động của môi trường trên da.

Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 1992 bởi Kagan và cộng sự đã cho thấy được Vitamin E thực sự có hiệu quả tốt trong việc chăm sóc da.

  • Khả năng dưỡng ẩm da

Tác dụng dưỡng ẩm của Vitamin E đã được các nhà nghiên cứu báo cáo và ghi lại trong Thư viện Y khoa Hoa Kỳ với khả năng hydrat hóa lớp sừng trên da.

Nghiên cứu của Gehring và cộng sự vào năm 1998 đã đưa ra bằng chứng về khả năng thẩm thấu nước, tăng dưỡng ẩm trên da khi sử dụng Vitamin E nồng độ 5%.

Cùng với đó một nghiên cứu khác đã được thực hiện vào năm 2006 cho thấy khả năng dưỡng ẩm trên da người của Vitamin E cao hơn so với Vitamin C và Canxi ascorbate.

  • Tác dụng chống lại các tổn thương da liên quan đến tia cực tím

Với vai trò là chất chống oxy hóa, ngăn ngừa các tổn thương gây ra bởi các gốc tự do, Vitamin E cũng được các nhà khoa học nghiên cứu rất nhiều trong việc chống lại các tổn thương do tia cực tím gây ra.

Một số nghiên cứu trên chuột cho thấy tác dụng giảm sự hình thành các khối u do tia cực tím và các độc tố gây ra. Nghiên cứu khác cũng thực hiện trên chuột đã thấy được sự tác động của tia UV trên da giảm ngay sau khi sử dụng Vitamin E. Cùng đó nghiên cứu cũng chỉ ra được Vitamin E ngăn ngừa sự biểu hiện các nốt ban, phù nề, sưng và dày da do tác động của tia cực tím

Ở người, các nhà nghiên cứu đã thấy được khả năng làm giảm quá trình peroxy hóa lipid trên da, giảm ban đỏ và ngăn cản sự kích thích tế bào khi tiếp xúc với tia cực tím. Chính vì vậy, Vitamin E thường được bổ sung và nằm trong thành phần các loại kem chống nắng.

  • Tác dụng làm lành vết thương

Một bài báo được in trên Tạp chí Vết thương Quốc tế đã chỉ ra rằng: Vitamin E có khả năng thúc đẩy quá trình làm lành vết thương. Nguyên nhân là nhờ các chất chống oxy hóa hỗ trợ giảm thiểu sự tổn thương mô, tác dụng chống viêm giúp vết thương mau chóng lành lặn.

Nghiên cứu vào năm 2009 của Barbosa và cộng sự đã đưa ra kết luận: Việc bổ sung các chất chống oxy hóa như Vitamin E,C và kẽm có khả năng chống lại sự oxy hóa và nhanh chóng làm lành vết thương hơn.

  • Đặc tính trong chống viêm

Viêm là một phản ứng của cơ thể trước các nguyên nhân chấn thương hay nhiễm trùng. Viêm được biểu hiện bởi triệu chứng sưng,nóng, đỏ và đau. Trên da có thể thấy như tình trạng mụn đỏ, mụn trứng cá viêm sưng.

Trong thử nghiệm tế bào nuôi cấy, α-tocopherol và γ-tocotrienol được chứng minh làm giảm tổng hợp prostaglandin gây ra viêm, giảm sự tạo thành của các interleukin và ức chế enzym Cyclooxygenase-2. Cùng đó, chúng cũng làm giảm các phản ứng viêm khi tế bào tiếp xúc với các yếu tố gây viêm khác.

Một nghiên cứu năm 2020 tại Báo cáo Khoa học đã thử nghiệm trên lâm sàng trên người và đưa ra kết luận việc bổ sung Vitamin E làm giảm viêm ở người lớn.

3.2. Tác dụng của Vitamin E trong chăm sóc tóc

Không chỉ có tác dụng trong chăm sóc da, chất chống oxy hóa Vitamin E còn có tác dụng trong việc giúp tóc luôn mềm mượt, óng ả, khỏe mạnh.

  • Hỗ trợ da đầu khỏe mạnh

Vitamin E có khả năng làm giảm sự căng thẳng gây ra thiếu hụt chất chống oxy hóa. Từ đó, giúp da đầu luôn khỏe mạnh

Cùng đó, thành phần này cũng có khả năng làm tăng lưu lượng máu, giúp tóc luôn được bổ sung dinh dưỡng, khỏe mạnh hơn. Một nghiên cứu vào năm 1999 đã phát hiện ra Vitamin E dùng ở liều cao có khả năng tăng lưu lượng máu đến mắt khi tiến hành trên các đối tượng các bệnh nhân bị bệnh tiểu đường.

Một nghiên cứu khác vào năm 2001 đã nhận thấy rằng việc tăng cường lưu lượng máu kích thích sự phát triển của các nang lông tại chuột.

Chính vì vậy, Vitamin E vừa chống oxy hóa, vừa tăng lưu lượng máu giúp da đầu luôn khỏe mạnh, tuần hoàn tốt, tóc chắc khỏe hơn.

  • Ngăn ngừa rụng tóc

Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng Vitamin E có khả năng ngăn ngừa sự rụng tóc xảy ra.

Nghiên cứu được bởi Beoy và cộng sự trên 38 người tình nguyện đang gặp vấn đề về rụng tóc đã được tiến hành. Kết quả nhận thấy vai trò của Vitamin E có thể cải thiện sự phát triển của tóc tốt hơn so với sử dụng giả dược. Nghiên cứu cho rằng, Vitamin E với đặc tính chống oxy hóa làm giảm sự stress oxy hóa trên da đầu, từ đó giúp tóc khỏe mạnh hơn, giảm thiểu sự rụng tóc.

Tăng độ mềm mượt, sáng cho mái tóc

  • Khi bị hư tổn, tóc có thể bị xỉn màu và xơ xác. Theo Viện Da liễu, khi lớp dầu trên tóc bị mất đi, tóc sẽ bị mất dần độ bóng và trở nên tệ hơn. Khi sử dụng Vitamin E, lớp biểu bì tóc được bổ sung lớp bảo vệ và nhờ đó đem lại một mái tóc tươi sáng và có sức sống hơn.

Cho đến nay, các nghiên cứu về hiệu quả của Vitamin E với tóc xơ rối rất ít. Tuy nhiên, các nhà sản xuất đều tin tưởng và thêm Vitamin E vào bảng thành phần của các sản phẩm chăm sóc tóc của họ.

4. Cách dùng Vitamin E trong chăm sóc da và tóc

4.1. Trong chăm sóc da

Vitamin E thường được dùng trực tiếp ở dạng kem bôi hay viên uống một thành phần. Ngoài ra, nó còn được thêm vào là một phần trong các loại mỹ phẩm khác.

Theo Văn phòng Viện Y tế Quốc gia và Chất bổ sung chế độ ăn uống Hoa Kỳ khuyến nghị người trên 14 tuổi chỉ nên bổ sung 15mg Vitamin E mỗi ngày. Với người đang mang thai và cho con bú khoảng 19mg mỗi ngày. Không nên sử dụng liều quá cao có thể gây hại cho cơ thể.

Một số dạng Vitamin E có thể gây ra các kích ứng trên da. Vì vậy, trước khi sử dụng sản phẩm, người dùng nên thử độ nhạy cảm của nó trên một vùng da nhỏ với lượng thấp trước.

Khi sử dụng các sản phẩm Vitamin E trên da, người dùng nên:

  • Hỏi ý kiến bác sĩ về các vấn đề dị ứng.
  • Tuân thủ liều lượng bao bì sản phẩm khuyến cáo.
  • Ngừng sử dụng ngay khi có bất kỳ tác dụng phụ nào xảy ra.
  • Sử dụng kem chống nắng thường xuyên.

4.2. Trong chăm sóc tóc

Với các tác dụng được nghiên cứu trên, Vitamin E được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc tóc và làm mặt nạ ủ tóc. Dưới đây là một số cách sử dụng vitamin E trong chăm sóc tóc.

  • Bổ sung Vitamin E trong chế độ ăn và các thực phẩm chức năng.
  • Dưỡng da đầu và tóc bằng dầu Vitamin E.
  • Lựa chọn các loại dầu gội dầu xả có chứa Vitamin E. Tuân thủ các hướng dẫn sử dụng sản phẩm được nhà sản xuất nghiên cứu và in trên bao bì.
  • Dưỡng tóc với mặt nạ chứa Vitamin E.

5. Tác dụng phụ khi sử dụng Vitamin E

Khi dùng Vitamin E trên da và tóc, chú ý pha loãng nồng độ tránh các tình trạng kích ứng, phát ban đỏ có thể xảy ra.

Cùng đó khi sử dụng các sản phẩm Vitamin E bổ sung, người dùng chú ý tuân thủ liều dùng hợp lý. Do nguyên nhân khi sử dụng liều cao Vitamin E có thể ức chế khả năng đông máu. Từ đó gây ra tình trạng chảy máu khó cầm nghiêm trọng. Không chỉ vậy, liều cao Vitamin E còn có thể làm rối loạn sản xuất hormon tuyến giáp, làm yếu xương.

Một thử nghiệm lâm sàng được ghi nhận trong Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ. Thử nghiệm cho biết bổ sung Vitamin E có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý về phát triển ung thư tuyến tiền liệt ở người đàn ông.

Do vậy, khi dùng các sản phẩm chứa Vitamin E nếu gặp bất kỳ các biểu hiện tác dụng phụ nào nên ngừng sử dụng ngay lập tức.

Tương tác của Vitamin E với thuốc
Khi sử dụng sản phẩm bổ sung Vitamin E, người dùng nên chú ý phối hợp thuốc. Một số tương tác có thể xảy ra khi dùng cùng:

Giảm tác dụng của các thuốc điều trị rối loạn lipid máu.
Giảm hiệu quả hóa trị và xạ trị của bệnh nhân ung thư.
Kéo dài tác dụng của thuốc chống đông Warfarin gây chảy máu kéo dài, khó cầm.
Hỏi ý kiến và báo ngay với bác sĩ nếu bạn đang sử dụng Vitamin E khi được chỉ định thuốc.

6. Mua các sản phẩm Vitamin E ở đâu?

Vitamin E được bổ sung hàng ngày trong chế độ ăn thông thường. Tuy nhiên có một số loại Vitamin E cung cấp qua thực phẩm với hàm lượng rất thấp. Vì vậy cần bổ sung qua các sản phẩm thực phẩm chức năng.

Để mua được các sản phẩm chăm sóc da, tóc, người dùng nên tìm đến các cửa hàng mỹ phẩm uy tín. Ngoài ra, người dùng cần xem xét về công ty và địa chỉ sản xuất đáng tin để mua được các sản phẩm đảm bảo chất lượng.

7. Giải đáp một số thắc mắc

Vitamin E có làm sáng da không?
Cho đến nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh về tác dụng dưỡng trắng của Vitamin E. Không chỉ vậy, việc sử dụng Vitamin E không đúng cách có thể gây ra tổn thương cho da, tăng sự nhạy cảm của da với ánh sáng, da không đều màu.

Chính vì vậy, người dùng cần chú ý cảnh giác khi áp dụng các phương pháp làm trắng da chưa được minh chứng.

Vitamin E có giúp làm mờ sẹo không?
Theo một đánh giá vào năm 2016 được in trong tạp chí của Nhà xuất bản Đại học Oxford: Sáu nghiên cứu đều không đưa ra đủ bằng chứng để khuyến nghị dùng Vitamin E trong điều trị sẹo. Tuy nhiên, trong số đó có ba nghiên cứu cho thấy sự cải thiện sẹo, ba nghiên cứu còn lại thì không thấy sẹo mờ hơn.

Theo Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ, khi bị thương nên giữ ẩm cho vết thương. Hành động này sẽ hỗ trợ giảm sự hình thành sẹo hơn. Chính vì vậy, Vitamin E nên dùng khi vết thương đang lên da non có thể giảm thiểu sẹo để lại.

Trên đây là bài viết về các vấn đề giữa Vitamin E và chăm sóc tóc, da. Mong rằng qua bài viết bạn đọc có thêm các thông tin hữu ích về thành phần này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *